Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, trong Luật Chăn nuôi, điều quy định đầu tiên là các tổ chức cá nhân chăn nuôi phải có trách nhiệm xử lý các chất thải chăn nuôi ở dạng rắn, lỏng, khí. Trong đó, các trang trại quy mô lớn như: TH, Vinamilk, Thái Dương, Dabaco, Masan… buộc phải áp dụng công nghệ cao để xử lý các chất thải chăn nuôi đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ khí thải tới chất thải lỏng, chất thải rắn… Sau đó các cơ sở mới được phép xả các chất thải đó ra môi trường chung.
(dabaco Tuyên Quang)
Trong trường hợp các cơ sở không có đủ công nghệ như vậy, họ phải sử dụng nước thải, chất thải rắn của vật nuôi sau khi đã xử lý theo những cách khác nhau tùy mục đích dùng, hoặc được phép bón cho hệ thống cây trồng nhất định của họ. Quy chuẩn quốc gia về chất thải chăn nuôi dùng làm phân bón cho một số loại cây trồng đang được Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật xây dựng.
'Điểm mới trong Luật Chăn nuôi là chúng ta đưa ra mật độ chăn nuôi, rồi sản lượng chất thải tính trên số lượng vật nuôi cũng như dựa trên diện tích đất nông nghiệp cho từng vùng sinh thái (Đông Nam Bộ, Tây Nguyên…). Khi chốt mật độ, nếu số lượng vượt quá sẽ không được nuôi nữa mà buộc phải giảm cho đúng quy định. Như thế chúng ta sử dụng mật độ chăn nuôi giống như một quy hoạch cho các vùng sinh thái' - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chỉ rõ.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT về chăn nuôi, cả nước hiện khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, phổ biến ở nước ta là chăn nuôi lợn (khoảng 4 triệu hộ) và gia cầm (gần 8 triệu hộ), với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc.
Mỗi năm, khối lượng nguồn thải ra từ chăn nuôi ra môi trường là một con số khổng lồ - khoảng 84,5 triệu tấn/năm, trong đó, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn…), còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng phí và phần lớn thải ra môi trường gây ô nhiễm.
Thực tế hiện nay, công tác quản lý môi trường chưa đáp ứng được với nhu cầu của thực tế sản xuất. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi theo QCVN 40:2011/BTNMT trước kia và QCVN 62-MT:2016/BTNMT hiện nay đều quá cao so với khả năng thực tế ứng dụng công nghệ xử lý môi trường hiện tại. Điều này dẫn đến hầu hết các trang trại đều không thể đáp ứng yêu cầu đặt ra do chưa có công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi hiệu quả để theo kịp các quy định về xả thải môi trường.
Do khó có thể đáp ứng quy định xả thải nên ở nhiều nơi, việc áp dụng biện pháp xử lý môi trường của các trang trại chỉ mang tính đối phó. Vẫn còn tâm lý ưu tiên phát triển kinh tế, giảm nhẹ yếu tố môi trường ở nhiều cấp chính quyền địa phương nên việc quản lý và xử lý môi trường chăn nuôi còn mang nặng tính hình thức.
Luật Chăn nuôi được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ 2020 gồm nhiều quy định cụ thể, chặt chẽ với những yêu cầu gắn liền với mức xử phạt nghiêm khắc hy vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực đối với việc cải thiện môi trường trong ngành chăn nuôi.