Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh nhận định, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm vừa qua chỉ xuất hiện rải rác. “Khi xuất hiện những ổ dịch, chúng tôi đã khống chế, bao vây kịp thời. Chính vì vậy, tình hình dịch bệnh không lây lan trên diện rộng” – ông Thọ chia sẻ.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh, trong năm 2022 tỉnh Bắc Ninh đã giữ ổn định tổng đàn vật nuôi. Đối với đàn lợn, năm nay tỉnh Bắc Ninh đạt khoảng 300.000 con, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm trên 6,6 triệu con, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Đàn trâu, bò vẫn giữ trên 28.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 84.540 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 3.320 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2021.
Để đạt được kết quả trên, trong năm 2022, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tỉnh Bắc Ninh áp dụng tiêm phòng đại trà hai đợt vào tháng 3, tháng 4 và tháng 9, tháng 10. Kết quả tiêm phòng của tỉnh Bắc Ninh với tất cả đàn vật nuôi đều đạt trên 95%.
Cùng với đó, trong năm 2022, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai 2 tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Đồng thời, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên tỉnh Bắc Ninh giữ ổn định tổng đàn vật nuôi và sẽ đảm bảo thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán sắp tới.
“Ở tỉnh Bắc Ninh, dịp trước, trong và sau Tết có lượng lưu thông vận chuyển đàn vật nuôi rất lớn. Vì thế, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm soát về vận chuyển nhằm đảm bảo tất cả động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn đảm bảo an toàn đối với người dân”- ông Thọ thông tin.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện hiện có 531 trang trại, trong đó 44 trang trại quy mô lớn, 98 trang trại quy mô vừa và 389 trang trại quy mô nhỏ. Tỉnh Bắc Ninh có 16 doanh nghiệp chăn nuôi, trong đó 9 doanh nghiệp chăn nuôi lợn, 5 doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm, 2 doanh nghiệp chăn nuôi hỗn hợp.
Về ứng dụng công nghệ khoa học, có 72 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ chuồng lồng, chuồng kín với hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống, vệ sinh tự động…
Trong đó, có 3 cơ sở chăn nuôi đã thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất; 5 cơ sở chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống; 6 doanh nghiệp chăn nuôi trực thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.